Tôi nhớ đã mua gạo và mỳ gói vào đầu năm 2020, tự hỏi không biết cuối năm mình sẽ ra sao.
2020 là một năm cực kỳ khó khăn với tôi. Với bạn bè, tôi chứng kiến nhiều người mất việc, thay đổi công việc, cả các mối quan hệ đổ vỡ. Nhiều bạn bè tôi bây giờ đã trở thành kỷ niệm cũ với tôi nữa. Những căng thẳng như cơn bão cuốn cả thế giới này.
Tôi đã đảm nhận rất nhiều công việc trong năm nay và đã mở rộng những trải nghiệm bản thân mình. Tôi cũng phải làm rất nhiều để có thu nhập và cũng bị một số người tức giận. Nhưng tôi phải tồn tại, không chỉ có vậy, tôi còn phải bảo vệ và xây dựng cộng đồng của mình.
Và tôi đang ngồi đây, viết bài trong cái lạnh của Hà Nội thời Covid, vào những ngày cuối năm có lẽ là tồi tệ nhất của thế giới tôi đã thấy. Nhưng ông tôi đã chứng kiến nhiều lần như thế trong đời. Một người đã sống qua cuộc đại suy thoái, đại dịch bại liệt năm 1955 và hai cuộc chiến tranh thế giới.
Cha kể cho tôi nghe về ông nội. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, ông đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho trường học địa phương, nơi chỉ có một lớp học. Ông cung cấp củi cho trường vì ở đó họ đun củi và dùng nồi gang. Ông đã cắt gỗ với chỉ một cái cưa cũ và kéo củi 5 dặm trên những con đường ngập tuyết cùng bầy ngựa. Bà đã mua cho ông một chiếc chuông để đeo vào ngựa, giúp ông an toàn hơn khi đi trên đường vào ban đêm. Ông là một người từ Đan Mạch mới nhập cư đến Canada và chỉ nói được rất ít tiếng Anh.
Khi tôi đi học, các bạn khác cũng kể những câu chuyện kiểu như thế, đều từ cha mẹ và ông bà, như là: "khi còn nhỏ bà phải đi bộ đến trường, mất cả giờ đồng hồ lội trên con đường tuyết dày cả mét". Đây chính là kiểu ôn nghèo kể khổ khá phổ biến của các phụ huynh. Chính vì thế, chúng tôi thường bắt chước và đùa nhau rằng: "tuyết một mét thôi ư, tôi đã phải đi với một con gấu bắc cực trong cơn bão tuyết dày cả chục mét đấy".
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cha mẹ, ông bà thường kể cho chúng tôi những chuyện như thế. Là để chứng minh rằng, những khó khăn mà họ trải qua đều thể hiện chiều sâu của tính cách. Tôi không biết họ có thực sự biết điều đó không, nhưng họ đang mô tả một lý thuyết gọi là "kháng thương" (Anti-fragility). Đây là lý thuyết cho rằng khó khăn tạo ra sự phát triển. Tính kháng thương làm tăng khả năng nỗ lực và chịu đựng trước các tác nhân gây căng thẳng, biến cố, biến động, sai lầm, tấn công hoặc thất bại. Khái niệm này được phát triển bởi Nassim Nicholas Taleb.
Một ví dụ cổ điển về thuyến kháng thương là Hydra (quái vật nhiều đầu) - sinh vật thần thoại của Hy Lạp. Khi một cái bị cắt đi thì hai cái đầu mới sẽ mọc lại đúng vị trí đó. Chúng ta được tái sinh mạnh mẽ hơn từ chính những nỗ lực tranh đấu của mình, đó là ý nghĩa của thuyết kháng thương.
Tôi nhớ khi tôi khoảng mười tuổi. Khoảng giữa tháng mười một, bố mẹ gọi tôi vào phòng khách và nói rằng, năm nay anh em tôi sẽ được tặng quà ít hơn và nhiều món quà khác sẽ được tặng cho người nghèo. Lúc đầu, tôi rất buồn, tôi trách bố mẹ đã tạo ra Giáng sinh như một ngày lễ để tôi được nhận quà, là ngày hạnh phúc nhất trong năm, và giờ đây, họ lại lấy đi của tôi niềm hạnh phúc này.
Vào mùa đông khi tôi còn trẻ ấy, tôi thường dành cả ngày để lang thang trong rừng. Tôi thích động vật hoang dã và đã đến xem những con hải ly. Chúng tạo một nơi trú ẩn bằng gỗ, ngủ đông ở đó, và mùa xuân thức dậy mạnh mẽ hơn. Năm đó, mẹ đã chỉ mua cho tôi đôi giày trượt băng vì chúng tôi quyết định nhường quà cho người nghèo.
Và bây giờ, thời Covid có vẻ khó khăn như năm mới tôi đã từng trải qua khi còn bé, nhưng tôi cảm giác nó dường như có vẻ sắp kết thúc. Các báo cáo về kết quả vaccine và việc tiêm cho người dân bắt đầu được tiến hành ở một số nước.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ như loài hải ly, đã làm việc vất vả cả năm để chuẩn bị mọi thứ. Và sẽ dậy, tiếp tục nỗ lực hơn. Bây giờ là giữa mùa đông, nhưng sẽ là thời điểm biến những điều không mong muốn thành tốt lành hơn. Chúng ta, với bản năng kháng thương của mình, sẽ nỗ lực không ngừng và tự nhủ: "rồi tất cả sẽ ổn thôi".
Theo Hockynang.com