Hà Nội 1.000 năm tuổi. Ngổn ngang bao sự kiện kỷ niệm. Con số 1.000 có thể đập vào mắt bất cứ người Hà Nội nào trên con đường mà họ đi mòn qua mỗi ngày.
Khi nhìn vào số tuổi và vào chính thành phố, nhiều người yêu Hà Nội không thể không chạnh lòng hổ thẹn. Cảm xúc thoáng hiện, rồi thôi, mọi người lại quay trở lại với quỹ đạo cũ kỹ của mình. Trong những ngày này, có một người con của Hà Nội tâm sự, anh không muốn tham gia vào những sự kiện ồn ào, chỉ muốn lẳng lặng miệt mài làm việc góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Hà Nội và đất nước.
Người đó là anh Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (website vatgia.com). Ở cái độ tuổi mới ngoài 30, sở hữu trong tay một trong những website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam mà theo định giá của dân trong nghề lên tới khoảng 60 triệu USD, cùng 4 công ty con khác cũng thuộc dạng tiềm năng - đó có thể là thành công lớn ngoài-sức-tưởng-tượng với rất, rất nhiều người. Thế nhưng bản thân người trong cuộc lại nhìn nhận về những gì mình đang có một cách “nhẹ như không” bởi theo anh, thành công chỉ là một khái niệm mang tính tương đối và anh tự thấy rằng phía trước mình đang còn có rất nhiều “ngọn núi” cần phải tiếp tục vượt qua.
Từ khá lâu trước khi gặp Điệp, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về anh, về bước nhảy vọt của vatgia.com từ số 0 trở thành một thương hiệu dẫn đầu về thương mại điện tử chỉ sau đúng 3 năm và cả vụ việc xôn xao gần đây nhất giữa baokim.vn (công ty con của Vật giá) với một đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tất cả khiến tôi nửa tò mò, nửa nghi hoặc. Nhưng quả thực, chỉ sau 2 tiếng trò chuyện với Điệp cộng với một vòng tham quan văn phòng Vật giá, tận mắt chứng kiến những cộng sự của anh đang miệt mài làm việc, mọi sự nghi hoặc trong tôi đều tan biến.
Ấn tượng ban đầu của tôi là Điệp sở hữu khá nhiều tố chất của một doanh nhân thuộc thế hệ 8X - tư duy được lập trình sắc nét, khả năng phân tích nhạy bén, sự sáng tạo, quyết đoán, biết cách đặt mục tiêu, dám làm đến cùng. Và càng đối thoại, càng nghe Điệp trải lòng về tinh thần doanh nhân, về triết lý kinh doanh, về việc xây dựng mô hình tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, tôi lại nhận ra thêm ở Điệp độ đằm, độ chín về tư duy và tầm nhìn - điều thường chỉ thấy ở những doanh nhân gạo cội.
Mạo hiểm chọn một lối đi… chưa ai từng đi
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng với mười mấy cửa hàng tại Hà Nội), chẳng bao giờ phải lo toan đến những chuyện cơm - áo - gạo - tiền; thi đỗ vào một trong những trường đại học danh tiếng nhất (Đại học Ngoại thương), được học bổng sang Nhật du học rồi lại được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp có tiếng với mức lương thuộc hàng “khủng” - đó là “bệ phóng” khá hoàn hảo của Điệp.
Thế nhưng, Điệp lại không chọn cho mình một lối đi an toàn theo lẽ thường: nối nghiệp gia đình hay trở thành người làm thuê “số 1” mà lại đâm đầu vào một ngả đường chưa ai từng đi. Điệp “bén duyên” với vatgia.com khi mà trong tay chẳng hề có một chút kinh nghiệm cũng như am hiểu gì về lĩnh vực công nghệ thông tin lẫn thương mại điện tử.
Lý giải cho quyết định này, Điệp kể lại, từ năm thứ 4 đại học, Điệp đã đầu quân cho một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, đầu tư, xuất nhập khẩu, tư vấn du học, du lịch, tổ chức event,… Và ý tưởng về kinh doanh thương mại điện tử bắt đầu manh nha thời anh sang Nhật Bản vừa học vừa làm. Hồi đó, bạn bè, người quen thường nhờ Điệp đặt mua máy tính, máy ảnh, camera, mỹ phẩm,… gửi về Việt Nam.
Bắt đầu từ số 0, vatgia.com đã trở thành một thương hiệu dẫn đầu về thương mại điện tử chỉ sau đúng 3 năm
Không có thời gian, lại không có điều kiện đi lại nhiều (chỗ Điệp ở tương tự như Huế, muốn mua hàng hóa phải ra Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh) nên anh bắt đầu mày mò đặt mua hàng qua mạng. Càng làm, càng khám phá những tiện ích của việc giao dịch, mua bán qua mạng, Điệp càng thấy ham mê. Anh bắt đầu để tâm nghiên cứu các website thương mại điện tử tại Nhật Bản. Tổng số hàng anh mua qua mạng trong thời gian này lên tới 3-4 triệu USD. Nhưng ý tưởng cũng mới chỉ dừng lại tại đó.
Là người có năng lực, lại làm việc cần mẫn, chỉ sau mấy năm, Điệp đã được chị Tổng Giám đốc tín nhiệm cho giữ chức Trưởng phòng về Nhật Bản, với mức lương cao ngất ngưởng, có tháng lên tới 10 ngàn USD/tháng. Ở tuổi 24 - 25 tuổi, Điệp đã tự mình mua nhà, mua xe mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào của bố mẹ. Thế cũng đã được coi là thành công nhưng Điệp không muốn giam mình mãi trong cái “vùng an toàn” ấy.
Đọc sách về các hiện tượng kinh tế của Nhật cũng như thế giới, anh ngẫm ra một điều: tất cả những tỷ phú giàu nhất trên thế giới đều tập trung vào 4 lĩnh vực chủ chốt: công nghệ, bất động sản, dầu lửa và phân phối. Đặc biệt, các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực internet như Yahoo, Google hay Facebook,… đều được thành lập từ hai bàn tay trắng bởi những người rất trẻ.
Năm 2008, vatgia.com vinh dự được nhận giải thưởng Sao Khuê dành cho giải pháp thương mại điện tử tiêu biểu
Ước muốn năm nào lại quay trở lại. Anh suy nghĩ: nếu tính trung bình 3 ngày mình tiếp đón một đoàn khách Nhật, 1 năm được khoảng 100 đoàn, tổng cộng khoảng 300 khách, chỉ bằng 1/1.000 số lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam hàng năm. Nhưng nếu lập ra một website cung cấp các thông tin về giá cả hàng hóa, thị trường, thông tin đối tác tại Việt Nam, thì sẽ thu hút được tất cả những Nhật quan tâm tới Việt Nam. Tên miền vatgia.com được đăng ký vào cuối năm 2005.
Nhọc nhằn “hoài thai”
Điệp kể, ý tưởng ban đầu là xây dựng một website hoàn toàn bằng tiếng Nhật nhưng cuối cùng run không dám làm vì qua quá trình làm việc với người Nhật, anh hiểu rằng người Nhật yêu cầu tiêu chuẩn rất cao (ngoài thông tin đồng bộ còn yêu cầu hệ thống thanh toán, thẻ tín dụng,… kèm theo) nên làm thử tiếng Việt trước.
Hơn nữa, khi đó dân làm công nghệ thông tin không ai biết tiếng Nhật nên việc làm một site tiếng Nhật là điều khó có thể thực hiện được. Những bạn bè người Nhật của Điệp khi biết ý tưởng này cũng khuyên nhủ Điệp nên tập trung làm thị trường Việt Nam bởi với 80 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử, lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh.
"Đi một mình bạn sẽ đi nhanh, đi cùng đồng đội bạn sẽ đi được xa"
Vậy là Điệp quyết chí làm và làm bằng được dù chẳng ai tin rằng anh có thể đi đến cùng, ngay cả những người anh mời cộng tác. Lựa chọn làm website bằng tiếng Việt - tưởng là đã dễ dàng hơn nhưng hóa ra mới chỉ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn nối tiếp nhau. Cấu trúc dữ liệu của Vật giá được Điệp hình dung trong đầu rất phức tạp, đồ sộ và có rất nhiều tính năng. Điệp đã liên hệ với gần 20 công ty có tiếng về công nghệ thông tin ở Việt Nam để đặt hàng xây dựng vatgia.com nhưng đều bị lắc đầu từ chối vì quá khó.
Cuối cùng, Điệp chọn ra 5 người nghiên cứu độc lập để xây dựng Vật giá và chỉ duy nhất một người trụ lại được đến cùng. Làm ngày, làm đêm, 6 tháng sau thì website bắt đầu thành hình.
Khi mới bắt đầu làm, Điệp nhẩm tính với số vốn tích lũy vài trăm ngàn $ trước đó cộng thêm tiền lương, tiền cho thuê nhà đều đặn mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng (lúc này Điệp vẫn duy trì làm việc tại công ty cũ) thì có thể thu xếp ổn thỏa, lấy “tay phải” nuôi “tay trái”.
Ai dè, mới làm được 1 năm thì nguồn vốn bắt đầu cạn, mỗi tháng tiền lương Điệp phải trả cho nhân viên lên tới khoảng 200 triệu đồng trong khi nguồn thu lại chưa có. Điệp đã tính đến nước bán nhà đi để làm tiếp và xin đầu tư khắp nơi nhưng chỉ có mấy người bạn Nhật sẵn lòng giúp sức, người 5.000 USD, người 10.000 USD. Ở Việt Nam không có mấy ai am hiểu về lĩnh vực này nên không dám mạo hiểm đầu tư.
Được bạn bè giúp sức, đến tháng 07/2007, vatgia.com chính thức đi vào hoạt động. Tháng 03/2008, đánh giá được tiềm năng phát triển của Vật giá, IDG - Quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào rót vốn cho vatgia.com với mức đầu tư lớn nhất so với các công ty thương mại điện tử tính đến thời điểm đó. Sau IDG, mấy quỹ đầu tư của Nhật cũng tiếp tục góp vốn. Điệp đã so sánh tình cảnh của Vật giá lúc đó giống như một cảnh tượng kinh điển trong bộ phim 2012 - khi máy bay bay là là trên băng, chỉ còn cách gang tấc là đâm sầm vào vách núi thì bắt đầu vọt được lên.
Có thêm nguồn vốn, vatgia.com nhanh chóng ổn định hệ thống và tạo nên những bước nhảy vọt. Đến đầu năm 2010, vatgia.com đã bắt đầu tạo ra dòng tiền dương - điều mà có lẽ chưa một website thương mại điện tử nào tại Việt Nam làm được.
Ước mơ tạo dựng một cuộc sống trên Internet
Điệp chia sẻ: “Tự đứng được” - đó mới chỉ là nấc thang đầu tiên. Đích đến của của Vật giá trong tương lai là “Living internet” - tạo dựng một cuộc sống trên internet, nơi con người có thể sử dụng internet để làm bất cứ điều gì mình mong muốn.